MỘT ÁNG MÂY MÃI BÊN TA – HOÀNG TẠO
Khi chúng ta được đọc Tuyển tập ca khúc “Theo dấu măng rừng” của Nhạc sỹ Hoàng Tạo – (Nhà xuất bản Âm nhạc 2004 – Tựa đề lấy ý từ ca khúc nổi tiếng “Đưa anh đi hái măng rừng”) thì nhạc sĨ Hoàng Tạo đã mãi mãi đi về phía vĩnh hằng. 7 giờ 30 phút ngày 22 tháng 6 năm 2004, một căn bệnh quái ác (xuất huyết não) đã cướp đi của chúng ta một người nhạc sỹ, một người bạn và một người đồng đội vô cùng thân thiết với bộ đội Phòng không – Không quân, với những người yêu nhạc.
Nhạc sĨ Hoàng Tạo* sinh ngày 1/1/1936 tại một làng nhỏ của huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Vào bộ đội năm 1953, tập kết ra Bắc năm 1954 và trở thành một sỹ quan Tài chính. Nhưng lòng đam mê và năng khiếu sáng tác âm nhạc đã là một bước ngoặt cho anh sang một con đường khác – con đường của một nhạc sỹ sáng tác với bao đam mê đối với người chiến sỹ. Anh được quân chủng Phòng không – Không quân (PK – KQ) cho đi đào tạo tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội), và từ đó anh là một cán bộ sáng tác âm nhạc của đoàn Văn công PK – KQ từ 1965 đến 1976, Cục Chính trị quân chủng Không quân từ 1977 và nghỉ hưu năm 1992.
Nói về nhạc sỹ Hoàng Tạo mà chỉ kể tên những tác phẩm của anh đã viết thì chắc chắn rằng chưa đủ. Cán bộ chiến sỹ PK – KQ có biết bao nhiêu kỷ niệm với một người nhạc sỹ đã từng gắn bó biết bao năm trên suốt chặng đường chiến đấu. Anh đã không quản ngại đạn bom, gian khổ trong những ngày đầu chống chiến chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên chiến trường Hàm Rồng, Thanh Hoá để viết nên “Pháo thủ Hàm Rồng”, “Tôi đã trở thành chiến sỹ pháo” với chất nhạc giản dị nhưng gân guốc, chắc, khoẻ. Bộ đội Tên lửa ra quân đánh thắng trận đầu thì anh viết “Tên lửa về bên Sông Đà” mãi mãi sẽ là một khúc ca truyền thống của bộ đội Tên lửa anh hùng. Những bài hát như thế đã bắt đầu hình thành một cá tính âm nhạc của Hoàng Tạo, một cá tính mạnh để dựng nên những hình tượng âm nhạc trẻ, khoẻ nhưng lại rất hồn nhiên:
Đêm nay ta về bên sông Đà
Rừng phấp phới nở hoa
Gió vẫy lá rung bánh xe xích sắt
Ngỡ ai vui…
Âm nhạc và lời ca Hoàng Tạo được vận động có nhiều khi gập ghềnh, khúc khuỷu; những quãng nhảy xa có lúc bất ngờ làm cho nét giai điệu không bao giờ bằng phẳng nhưng lại rất trữ tình, lắng đọng. Đó là “Mưa trên chốt”, “Ngựa hồng lên điểm tựa”…
“…Bước nhảy bậc thang ngựa đi nước kiệu lên dốc
Là chú ngựa hồng cõng nước trên lưng…”
Đó thực sự là những khúc ca về người chiến sỹ và đã là của người chiến sỹ hệt như những niềm đam mê trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sỹ. Niềm đam mê ấy như một sự ràng buộc, như một vật thể, như một kỷ vật luôn luôn gắn liền với người chiến sỹ như một “Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện”: sẵn sàng đi và đến những nơi Tổ quốc cần, một sự lên đường nhẹ như một “tiếng chim đậu cành gọi nắng ban mai…”
Ba lô nhẹ nhàng, khẩu súng trong tay
Là bài ca tình nguyện vì Tổ quốc yêu thương
Thôi thúc bài ca lên đường…
Với bộ đội Không quân, với những cánh bay và bầu trời, mặt đất thì Hoàng Tạo đã thể hiện khá trọn vẹn tình cảm yêu thương của mình trên cả một quãng thời gian dài sáng tác về đề tài này. Điều đó được thể hiện trên nhiều ca khúc: Vì Tổ quốc bình yên, Ngày ấy anh bay qua, Những mùa bay đôi, Phi đội bài ca tôi hát, Đàn chim mùa thu Nha Trang, rồi Én trắng, Mây trắng, Đường băng, Vùng trời yêu thương, v..v… Cũng vì vậy, khi trở lại thăm một trung đoàn bay cũ của mình, có ai không bồi hồi xúc động khi nhớ lại cả một chặng đường cam go, gian khổ của người lính, cái ngày mà: “Em chờ ở đầu đông, anh lại về đầu tây, sân bay mình rực lửa băng qua cuộc chiến tranh” vì vậy anh đã viết:
Trở lại thăm trung đoàn sẽ vui biết bao nhiêu
Bạn bè chiến đấu cũ mong mỏi như tình yêu…
Với các chiến sỹ Thông tin thì “Khúc ca mùa thu thông tin”, “Em là con Sóng Điện”, “Qua ngõ trung đoàn”… đã chứa đựng những tình cảm trìu mến của tác giả đối với các chiến sỹ thông tin. Chùm ca khúc về chiến sỹ Công binh của Hoàng Tạo đã góp phần làm nên một tiếng nói vạm vỡ, khoẻ mạnh và luôn luôn yêu đời của chiến sỹ. Đó là “Rạo rực đoá công trình”, “Biết đâu mà tìm”, “Hát lên mùa xuân Công binh” mà chỉ cần “Một thoáng gặp đã nhận ra bộ đội công binh tràn đầy sức mạnh…”, sức mạnh của những chiến sỹ Công binh phá đá, mở đường, làm sân bay, đào hầm xuyên núi …
Xa quê hương từng ấy năm, xa người mẹ hiền yêu dấu của mình để mỗi lần về thăm anh lại có những điều tâm huyết. Anh gửi vào “Bình Sơn yêu thương”, rồi “Tằm ơi Tằm ở”. Lên miền quê Tây Bắc anh viết “Em ca Sơn La”, “Tuổi xanh Mộc Châu” tươi mới như đất trời. Về miền biên cương xa xôi anh dựng nên một “Dáng núi” cho Chiến sỹ Biên phòng. Trở lại sinh sống trên quê hương miền Nam anh viết “Chiến khu Đ”, “Ru tình Nhiêu Lộc”, “Nét Huế thời gian” … Mỗi miền quê là một bước chân người nhạc sỹ đã từng đi, từng viết như cho chính quê hương sinh ra của mình.
Nhưng rồi đang đi, đang viết về Điện Biên Năm mươi năm (1954-2004), về Trường Sa của “Quần – Đảo – Đồng – Đội” thì đồng đội lại ru anh bằng một “Khúc ru tìm đồng đội” mà chính anh đã viết:
Ơi a bạn! Ơi a Anh!
Đất đai lặng im đầy tình
Có thiêng thì cho mình gặp.
Đồng đội đi tìm đồng đội, nhủ lòng ai dọc hành trình…
…Chiếc lá rơi nghiêng nghiêng về cội
Ơi thiêng liêng rừng cây, cho ta yêu chiều nay…
Anh lẳng lặng gói ghém tất cả những gì mình yêu vào trong tuyển tập ca khúc “Theo dấu măng rừng” (Nhà xuất bản Âm nhạc – 2004) mà phần lớn trong đó anh viết về Bộ đội Phòng không – Không quân như để nhắn nhủ với cuộc đời: Hãy lần lần theo dấu vết của từng ngọn măng rừng, từng làn mây bay, từng bước chân chiến sỹ… để mãi mãi gắn bó với nhau cùng đồng đội. Một trăm hai mươi ca khúc trên tổng số khoảng trên bốn trăm khúc ca anh đã viết là một chặng đường dài với bao nỗ lực cống hiến và yêu thương. Vậy mà khi cuốn sách hoàn thành được vài cuốn gửi trước vào cho anh khi đang nằm trên giường bệnh, anh chỉ còn cảm nhận thấy nó, mãn nguyện, anh như vẫn cảm thấy những âm thanh của cuộc sống ngân vang mãi trong lòng mình…
Đâu là những cái riêng, chung của Hoàng Tạo? Hoàng Tạo đã gởi gắm những điều Riêng – Chung đó vào khá nhiều tác phẩm không chỉ những bản tình ca, những khúc ca trữ tình mà cả những bài ca trẻ trung về người chiến sỹ. Hình như đâu đó đều có cái riêng chung của một mình, của một người và của mọi người. Những bóng dáng Riêng – Chung ấy như mối dây liên tưởng hàm súc những mến thương luôn tìm nhau và để gặp nhau. Tình yêu quê hương, gia đình, đồng đội; yêu những người chiến sỹ của Hoàng Tạo là một cách yêu riêng của mình. Chả thế mà lời ca của anh như vẫn vương vấn mãi một câu hỏi:
Kìa là mây, mây ơi cứ xa xôi
Sao em không là mây?
Mây bên mây bồng bềnh…?
“Én Trắng – 1989”
Thế mới là bầu trời, là tâm hồn của Hoàng Tạo, tâm hồn của một người Chiến sỹ – Nhạc sỹ mãi mãi gắn bó với quê hương, bầu trời và đồng đội.
TP Hồ Chí Minh, 24/6/2004
Viết sau ngày tang lễ Nhạc sĩ Hoàng Tạo
Ngọc Khuê