CHUYỆN ÔNG HỮU
Cũng có thể gọi ông là “Người trên từng cây số”, ông không phải người lái xe, nhưng có khi còn trên tài cả người lái xe nữa, bởi hình như chả có nơi nào mà ông không lăn bốn bánh xe tới!
Nguyên là một trắc thủ Ra-đa nhìn vòng đóng tại địa phận xã Hoằng Long, Huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa; rồi Quản lý C1 pháo 100 ly đoàn Pháo Cao xạ 228 bảo vệ Cầu Hàm Rồng từ những năm 1965, năm 1969 được điều về Ban Chính trị Trung đoàn, phụ trách tờ tin Trung đoàn. Ông là người thạo tin và kể cũng nhiều tài. Ông vừa viết tin, vừa nhận tin và biên tập để xuất bản thường kỳ một tháng một lần, phát xuống các đầu mối trực thuộc Trung đoàn.
Nói về tờ tin Trung đoàn hồi ấy cũng lắm chuyện để nhớ: Vừa là người viết tin, biên tập tin, lại vừa phụ trách “nhà in” luôn. Nhà in của ông chỉ mỗi mình ông vừa làm giám đốc vừa làm công nhân “đứng máy”. Máy in của ông là máy in Rô-nê-ô cổ hủ. Sau khi các anh em bên “Bảo mật” đánh máy chữ trên giấy nến xong (Loại giấy đánh chữ cho “xuyên thủng”) rồi chuyển cho ông, một mình lọ mọ quét mực in lên con lăn rồi lăn trên giấy cho mực thấm xuống trang giấy – một thứ giấy có màu vàng vàng, nâu nâu – chắc chỉ giành cho những người tinh mắt mới đọc được! Mỗi lần in chỉ được một trang, nhiều lần, nhiều trang… rồi mới đóng thành tập được! Chúng tôi gọi ông với một cái tên trìu mến “nhà báo Trung đoàn”
Cũng có khi từ “Nhà báo Trung đoàn” hồi trước, mà sau khi chuyển ngành, ông được điều về Ban Khoa giáo Đài Tiếng nói Việt Nam, được ở một căn nhà nhỏ trong khu tập thể Đài tại 128 Đại La, bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới. Nhưng chỉ như thế thì vẫn chưa thể là “Người trên từng cây số” được. Phải đến sau này, khi ông có vốn liếng ngành xây dựng, nên được điều về làm Giám đốc Công ty xây dựng và phục chế các công trình Văn hóa, thuộc Bộ Văn hóa Thông tin năm xưa. Và chính từ đây, ông có xe hơi của cơ quan, về sau ông lại sắm riêng cho mình một chiếc xe hơi cũ nữa, thế là khỏi cần lái xe, đi đâu ông cũng tự lái lấy cho tiện, khi thì xe cơ quan, khi thì xe cá nhân. Hồi ý mà có xe riêng (mặc dù đã cũ mèm) nhưng cũng oai phong lắm lắm.
Có lần Ông cùng tôi và ông Quang đến thăm một ngôi làng mà trước đây cơ quan chính trị chúng tôi đã ở (xã Hoằng Đồng), mặc dù tay lái lụa đầy kinh nghiệm, nhưng cũng không thể điều khiển được xe vào làng vì trời mưa, đường nhỏ lại trơn. Vậy là lỡ hẹn và tìm chỗ quay đầu. Trong lúc xuống xe, tôi hỏi thăm một bà đi từ trong làng ra, rằng cô A cô B chi đó chừ ra răng? Các bà kêu trời: Chừ còn cô gái mô nựa, các bà nứ già cả rồi, con cháu đầy đàn cả rồi…! Nghe các bà trả lời, chúng tôi vừa cười vừa nao nao trong dạ. Trời thì mưa gió, lá cây rụng đầy đường, tôi nhặt một chiếc lá cầm lên tay, và bỗng nhiên nẩy ra một câu tứ cho ca khúc “Nhặt chiếc lá rơi” của mình. Sau khi về Hà Nội, tôi đã viết xong ca khúc của mình:
“Tưởng rằng đã quên/ người con gái ấy
Bỗng nay thức dậy/ kỷ niệm xa vời
Ngày nào có em/ người con gái ấy
Dòng sông êm ả/ cây cầu lùi xa…
…Nhặt chiếc lá rơi/ ngỡ thời gian qua rồi!”
Đấy, Ông Hữu ấy đã giúp tôi viêt nên một ca khúc mà đối với tôi và đồng đội tôi sẽ còn mãi với thời gian!
Khi bạn bè Cựu chiến binh chúng tôi đi cùng ông chưa ai biết điện thoại di động là gì thì ông đã có trong tay một chiếc Motorola StarTAC, loại gấp vào mở ra rõ xịn, nhìn cái Ăng ten “râu” điện thoại vểnh lên mà ai cũng thấy thèm! Hiện đại là thế mà cho đến tận bây giờ, trong danh bạ điện thoại vẫn không có tên và số điện thoại của ai cả, chỉ vì mỗi một điều là ông không biết ghi nhớ số và tên ai vào danh bạ như thế nào, bảo ông ghi thì ông nói không cần, bởi thế ông luôn có một cuốn sổ nhỏ xíu ghi số điện thoại trong túi…
Tôi đồ rằng ông rất thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” vì vậy mà khi ông đi là người ta lại nhớ, mà khi ông ở là người ta lại thương! Cái chất lính đi đâu cũng không trật! Hết Thanh Hóa, Hà Nội, lại… Thái Nguyên hay bất cứ nơi đâu! Chả thế mà hồi ông ý lấy vợ, ông ý “cưa” hẳn được một em Hàm Rồng, trẻ hơn đến gần chục tuổi. Ngày ấy mà hơn chục tuổi đã là “nể’ lắm, bởi đa phần đều chỉ nhỉnh hơn vợ vài ba tuổi thôi!
Nhưng hiện giờ ông ý đang bị ốm, cánh lính cũ Cựu chiến binh cùng đơn vị với ông ngày trước, vượt chặng đường ba chục cây số vào thăm. Cảm động lắm, mong lắm mà dịch dã liên miên giờ mới đến với nhau được. Chỉ biết chúc cho ông nhanh bình phục, có thể lái được xe, nhưng nếu không tự lái được thì cũng ngồi trên xe cho anh Ngữ, anh Quang hoặc cậu Dũng, cháu Long nó lái, cùng chúng tôi rong ruổi “trên từng cây số!”
Hà Nội, 16/4/2022