NHẠC SĨ VĂN CAO – Mùa xuân và Những cánh én!
NGỌC KHUÊ
Bài đăng trên Tạp chí Âm nhạc Việt Nam Xuân Nhâm Dần 2022
Nhắc đến những ca khúc về Đất nước, Mùa xuân – đặc biệt là mùa xuân đầu tiên sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (30/4/1975), chúng ta không thể không nhắc đến bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao!
Tôi được biết: Có những điều rất đặc biệt về bài hát “Mùa xuân đầu tiên” này: đây là bài hát mà nhạc sĩ Văn Cao viết sau đúng 20 năm ông không cầm bút viết một ca khúc nào (từ 1956 – 1976). Và cũng sau đúng 20 năm (1976 – 1996) thì bài hát này mới chính thức được phổ biến rộng rãi.
“Mùa xuân đầu tiên” là ca khúc mà Nhạc sĩ Văn Cao viết năm 1976, sau khi đất nước liền một dải, đó là một mùa xuân đầu tiên cả hai miền cùng ăn chung một cái Tết thống nhất. Niềm hân hoan chợt dậy lên trong lòng Văn Cao. Ông khẽ khàng ngồi vào đàn. Một nét gì đó có nhịp điệu của “Làng tôi” khi xưa bởi vì xuân này, bao người lính sẽ trở về bên mẹ hiền, về quê hương với giai điệu thật dịu dàng, thanh thản. Những câu đầu tiên: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ mùa bình thường mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông gà đang gáy trưa/ Bên sông một trưa nắng vui cho bao tâm hồn”. Văn Cao thấy cần phải nhắc lại âm hưởng đoạn nhạc này với những lời ca ấm áp tình người: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Người mẹ nhìn đàn con nay đã về/ Mùa xuân mơ ước đang đến đầu tiên/ Nước mắt trên vai anh giọt rơi ấm đôi vai anh niềm vui phút giây như đang long lanh”. Không khí khải huyền dâng lên bất tận. Nỗi cảm thán vừa như thắt lại nghẹn ngào, vừa như bật ra nức nở: “Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên… Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người…”.
Bản valse cho ngày toàn thắng của Văn Cao thật sâu lắng, không ồn ào mà tươi mới, sâu lắng, ta cảm thấy một sự ấm áp, nồng nàn của mùa xuân, mùa xuân đầu tiên của Bắc Nam thống nhất, của đất nước toàn vẹn một giải non sông, của lòng người…
Nhắc đến mùa xuân, ta hay phải nhắc đến những cánh én. Nhắc đến những cánh én, lại phải nhắc đến những đôi cánh anh hùng của Không quân nhân dân Việt Nam – những đôi cánh đã được gọi với một cái tên thân yêu là những “Cánh Én”. Ca khúc “Không quân Việt Nam” của nhạc sĩ Văn Cao được viết vào năm 1946, lúc mà đất nước ta chưa hề có Không quân, chính là viết về những Cánh Én đó!
Người viết bài này có vinh dự là người dẫn chương trình “Văn học nghệ thuật” của Đài truyền hình Việt Nam, kỷ niệm 25 năm truyền thống Không quân ta đánh thắng trận đầu (3 – 4/4/1965 – 3 – 4/4/1990) và được trực tiếp phỏng vấn nhạc sĩ Văn Cao về bài hát “Không quân Việt Nam” của ông. Nhạc sĩ Văn Cao nói: “Bài hát Không quân Việt Nam tôi sáng tác từ năm 1946, lúc bấy giờ ta đâu đã có Không quân?, cho nên đây là mơ ước, mong làm sao mà “Không quân Việt Nam phải lướt trên ngàn mây gió…” lực lượng Không quân của ta phải mạnh và phải nhìều máy bay hiện đại thì sẽ đánh thắng kẻ thù, như chiến công mà không quân ta đã lập nên trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ”.đấy!
Nhạc sĩ Văn Cao cùng Thiếu tướng Phi công, Anh hùng LLVTND
Tư lệnh Quân Chủng Không quân TRẦN HANH – Ảnh XUÂN ÁT chụp năm 1990
Và một điều rất thú vị nữa là sau đúng 44 năm kể từ khi sang tác bài này (1946) thì đến năm 1990, khi Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Cục Chính trị Quân chủng Không quân (thời kỳ đó) thực hiện chương trình Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật này thì Đài Tiếng nói Việt Nam mới thu thanh bài hát này lần đầu tiên.
Ta là đàn chim bay trên cao xanh
Khi nhìn qua khói những kinh thành xa
Ðôi cánh tung hoành vượt trên mây xanh
Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng
Ðây đó hồn nước ơi!
Không quân Việt Nam vút trên ngàn mây gió
U.. u… u… u… u… u …
Bài hát đã nhanh chóng trở thành một trong những bài hát truyền thống của Không quân ta. (Bài hát còn một tên gọi khác là: “Hành khúc Không quân Việt Nam” Một vài đoạn ca từ do không thích hợp với thời kỳ mới này, nên đã được sửa lại (tất nhiên là sửa ngay trước khi thu thanh lần đầu và được nhạc sĩ Văn Cao “gật đầu” tán thưởng. Ví dụ:
Lời cũ: Bầy ta càng đi càng xa – Quyết khi về đem lại đây chiến công – Dù thân mồ quên lấp chìm – Sửa lại là: Đoàn ta càng đi càng xa, quyết khi về đem lại đây chiến công ngày mai càng thêm sáng ngời, ….
Cũng thật khéo sắp đặt, ngày truyền thống của bộ đội Không quân (3/3/1955), ngày ra quân đánh thắng trận đầu của Không quân nhân dân ta (3-4/4/1965) cũng đều vào mùa xuân, chữ “đầu tiên” trong “Mùa xuân đầu tiên” của Nhạc sĩ Văn Cao thật nhiều sự trùng hợp đến thú vị. Phải chăng Mùa xuân bao giờ cũng gắn liền với những cánh én lượn bay trên bầu trời xanh biếc, thế nên trong “Mùa xuân đầu tiên” lại có câu: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về!…
Nhạc sĩ NGỌC KHUÊ