ĐI VỀ PHÍA TÂY

0
369
Ảnh chụp tại nhà NS Lê Mây

Người “trốn” phố
Lại nhớ 5 năm trước, khi nhạc sĩ Thanh Khang mới từ Vũng Tàu ra Bắc đã “lôi” tôi và huấn luyện viên bóng bàn quốc tế Nguyễn Quốc Thắng (Thắng “lốp”) đi dọc đường Quốc lộ 32 để về gặp nhạc sĩ Lê Mây, tác giả ca khúc “Hà Nội linh thiêng, hào hoa” nổi tiếng.

Trên đường đi, tôi được nghe kể nhiều về ông: Một người có khao khát được ở quê, chẳng thế mà dù có căn nhà to, đẹp đầy đủ tiện nghi ở khu vực Mỹ Đình nhưng ông vẫn nhất quyết “trốn” phố.

Đi về phía Tây – Ảnh 1.
Nhạc sĩ Lê Mây sưa sưa bên phím đàn. (Ảnh: Ngô Khiêm).

Từ ngã tư Trôi (Hoài Đức) xe chúng tôi bon bon tiến sâu vào ngôi làng Cao Trung (xã Đức Giang) vẫn còn đậm chất hoang sơ, nơi có chùa Diên Khánh cổ kính. Đứng ở đầu ngõ, ông trong chiếc áo thổ cẩm với phom người đầm đậm, tác phong nhanh nhẹn, niềm nở ra đón khiến tôi không nghĩ rằng ông đã ở tuổi “xưa nay hiếm”.

Căn nhà chốn thôn quê của ông thoáng mát và yên ả vô cùng. Khoảng sân trước hiên nhà được phủ kín bằng một màu xanh mướt của giàn đỗ ván, thiên lý. Nhìn ra ngoài là cả một khu vườn rộng với đủ các loài cây ăn quả cùng các loại rau xanh.

Và cũng như bao vườn quê khác, vườn nhà ông có ao cá, nơi mà hàng ngày từng đàn vịt trời vẫn tung tăng bơi lội. Trước khung cảnh ấy, tôi mới thấy quyết định “trốn” phố của ông thật đúng đắn và phần nào lý giải được vì sao càng về cao tuổi ông lại càng sáng tác nhiều hơn.

Sau này khi ông sáng tác ca khúc “Phía Tây thành phố” mới thấy ông đã đem cả hồn cốt của ngôi nhà, làng quê vào trong những nốt nhạc thật uyển chuyển, da diết: “Ngôi nhà không cao, không to/ Ẩn giữa làng quê yêu dấu/ Đêm đêm tiếng đàn ngân lên/ Gọi gió sông Hồng thổi tới/ Gọi gió sông Đà thổi tới/ Tiếng gà gáy râm ran râm ran gọi ngày/ Tiếng chim hót líu lo líu lo cành cây/ Làng bình yên trong phố, phố tưng bừng trong làng”.

Đi về phía Tây – Ảnh 2.
Nhạc sĩ Lê Mây say sưa hát ca khúc mới sáng tác. (Ảnh: Ngô Khiêm)

Về nhà nhạc sĩ Lê Mây có cái “hay” là luôn được người vợ hiền của ông chuẩn bị những đồ ăn “cây nhà lá vườn” thơm ngon, bổ dưỡng. Nào chuối, nào ổi, nào khoai lang, nào ngô, nào nước vối, nào trứng ngỗng… Như ông mặc định: “Đã về đây là phải ăn cơm mới là trân quý nhau”.

Người đàn ông xứ nhãn Hưng Yên này yêu, rất yêu Thủ đô cũng như phía Tây thành phố, chẳng thế mà trong đoạn kết của bài hát “Phía Tây thành phố” ông khẳng định: “Dù cho ai đi đâu về đâu/ Dù cho ai sang xứ người/ Tôi vẫn mãi tình yêu Hà Nội/ Tôi vẫn mãi phía Tây thành phố/ Vì nơi đó với tôi bao người thân thương/ Vì nơi đó với tôi đã thành quê hương”.

Bài hát còn được nhạc sĩ Lê Mây gửi gắm về một hình ảnh Hà Nội đang vươn mình mở rộng, phát triển về phía Tây mà các nhạc sĩ phải là người đồng hành để có những sáng tác “mời gọi” dòng người đổ về đây, để chung tay thực hiện cuộc giãn dân và sớm đưa Hoài Đức trở thành quận của Thủ đô.

Người “tưởng là tỉnh, hóa vẫn quê”
Là người Hoài Đức “chính hiệu” nhưng nhạc sĩ Ngọc Khuê lại đang không sống ở quê, dẫu vậy cứ cuối tuần ông lại cùng gia đình về hít thở “khí quê”.

Nhạc sĩ Ngọc Khuê sinh ra và lớn lên ở làng Kẻ Giá (hay còn gọi là Giá), xã Yên Sở, huyện Hoài Đức – vùng đất cổ có nhiều trầm tích lịch sử, văn hóa lâu đời và cũng là mảnh đất phía Tây thành phố.

Đình Giá (hay còn gọi là đình Quán Giá) là nơi thờ tự Lý Phục Man, người giúp Lý Nam Đế dựng nên nước Vạn Xuân. Sông Hát (sông Đáy) thơ mộng ôm vào lòng những bãi mía, nương dâu xanh ngát.

Đi về phía Tây – Ảnh 4.
Nhạc sĩ Ngọc Khuê ôm đàn sáng tác ở quê, phía xa vợ ông đang ngoài vườn (Ảnh: Ngô Khiêm).

Cũng giống như nhạc sĩ Lê Mây, nhạc sĩ Ngọc Khuê đã để lại dấu ấn với ca khúc rất nổi tiếng về Thủ đô – “Mùa xuân làng lúa, làng hoa” và sau này là một số ca khúc nữa, như “Tả thanh thiên” – một ca khúc “liều lĩnh” khi viết về tháp bút uy nghi bên Hồ Gươm cổ kính. Nghĩ về nhạc sĩ Ngọc Khuê, tôi lại nhớ về hình ảnh người nhạc sĩ hiền lành, chân thật, sống tình cảm và chẳng để mất lòng ai.

Ca khúc “Mùa xuân làng lúa, làng hoa” của ông mỗi độ xuân về vang lên khiến lòng người nô nức, rộn ràng nhưng với tôi ngoài cảm giác đó còn là một kỷ niệm thú vị khi có lần hỏi “bóng hồng” trong các khúc ấy mà nhạc sĩ cứ “dối quanh”: “Một cô gái mang mật danh “13”, rồi ông lại thẹn thùng biện minh: “Sáng tạo nghệ thuật đôi khi phải có chút xao lòng chứ”.

Thật ra không phải sáng tạo nghệ thuật mới có chút xao lòng mà ở ngoài cuộc sống đấng mày râu nào lại không có chút xao lòng trước một cô gái đẹp như nhà thơ Thuận Hữu từng khẳng định trong bài thơ “Những phút xao lòng” nổi tiếng của mình: “Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ/ Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ/ Đừng trách chi những phút xao lòng”.

Đi về phía Tây – Ảnh 6.
Nhạc sĩ Ngọc Khuê tại đêm nhạc “Tình yêu Hà Nội”. (Ảnh: NSCC).

Hiện nay nhạc sĩ Ngọc Khuê và phu nhân đang sống ở một căn hộ trong khu đô thị cao cấp giữa lòng Thủ đô nhưng lúc nào trong tâm khảm ông cũng hướng về quê và sống như một người nhà quê đích thực.

Trong những ngày hè nóng nực này, ông nhiều lần đăng ảnh lên Facebook cảnh nhà quê của mình, nơi có những vườn cây sum suê, mát mẻ, thanh bình mà nhiều người phát thèm.

Ông từng bảo, từ nhà ngoài phố về quê chỉ 20 cây số, đi đường nào và bằng phương tiện gì cũng vậy. Cũng như bao người, ông cũng có một căn nhà nhỏ ở quê để đi về…

Ở phố hay ở quê ông đều thích, mà thích thì chỉ 45 phút sau lại có mặt ở nơi mình muốn. Hóa ra với “ông làng lúa, làng hoa” thì ở quê hay phố không quan trọng mà quan trọng là vẫn nặng lòng với quê hương như câu thơ ông từng viết “Tưởng là tỉnh, hoá vẫn quê/ Vẫn thương cái chốn đi về của nhau”.

Đi về phía Tây – Ảnh 5.
Vợ chồng nhạc sĩ Ngọc Khuê và vợ chồng nhạc sĩ Lê Mây chụp tại căn nhà của nhạc sĩ Lê Mây. (Ảnh: Nhạc sĩ Ngọc Khuê cung cấp).

Có một Hoài Đức để yêu, để nhớ, nhạc sĩ Ngọc Khuê cũng đã cố gắng đưa các địa danh nổi tiếng của vùng đất này vào các sáng tác của mình như một sự tri ân với nơi đã sinh thành, nuôi dưỡng để có được tên tuổi như ngày hôm nay, như: “Xao xuyến Sơn Tây”, “Thênh thang xứ Đoài”, “Bài ca xây dựng nông thôn mới”, “Hoài Đức một miền xanh”, “Làng Dừa – bản tình ca màu xanh”…

Có một “di sản” khác của Hà Tây
ĐỌC NGAY
Khi kể về những ca khúc ấy, ông bảo, mình từng ước mơ được làm thầy giáo làng, gắn bó với học sinh, sau giờ dạy học cùng các em hát múa, trồng hoa cây cảnh, chơi đùa thỏa thích, rồi trầm mình xuống dòng sông Đáy mát rượi, ngắm hoàng hồn rắc những ánh vàng hoa xuống cánh đồng làng, lắng nghe đâu đó từ trong bãi dâu cất lên tiếng hát của cô thôn nữ, lay động lòng người lắm thay: “Em là con gái làng Giá bên dòng sông Hát/ Yêu chàng từ thuở học trò/ Tằm tang năm tháng đợi chờ/ Vinh quy bái tổ… chàng về… nên duyên”.

Thế rồi, chiến tranh đã làm lỗi hẹn ước mơ đẹp đẽ ấy khi theo tiếng gọi của Tổ quốc ông đã trở thành người lính phòng không – không quân.

Nhưng khi một cánh cửa khép lại thì một cánh cửa khác lại mở ra. Ông trở thành một chiến sĩ, nghệ sĩ được đem lời ca, tiếng hát đi muôn nơi. Công bằng mà nói, nếu không có chiến tranh, chắc chắn sẽ không có một nhạc sĩ Ngọc Khuê tài hoa như hôm nay.

Cùng ở phía Tây thành phố nhưng có người về, kẻ đi. Đó âu cũng chính là số phận của mỗi người, là quy luật sinh tồn muôn đời. Và điều đó nào đâu còn quan trọng khi ở bất kỳ nơi nào, chúng ta cũng đều hướng về quê hương với con tim, khối óc và khát khao cống hiến đến bỏng cháy.

Và rồi đây khi Hoài Đức trở thành quận của Thủ đô thì vẫn có những người luôn đau đáu gìn giữ giá trị của làng quê như hai nhạc sĩ tài hoa Lê Mây và Ngọc Khuê.

Bài trướcMỘT ÁNG MÂY MÃI BÊN TA – HOÀNG TẠO
Bài tiếp theoAI BẮC THANG QUANH ĐỒI

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây