BẦU TRỜI – NGUỒN CẢM HỨNG VÔ TẬN CỦA CÁC VĂN NGHỆ SĨ

0
442

BẦU TRỜI nguồn cảm xúc vô tận của các Văn nghệ sĩ
NS Ngọc Khuê

Bộ đội PK-KQ với trọng trách đã được Đảng, Quân đội và nhân dân giao cho là những người lính canh giữ bầu trời Tổ quốc. Cũng chính vì thế mà tình cảm của các Văn nghệ sỹ – chiến sỹ xuất thân, trưởng thành hoặc công tác trong quân chủng PK-KQ luôn có một tình cảm đặc biệt với bầu trời. Tình cảm đó luôn được nung nấu, hun đúc và tuôn trào trên từng bản nhạc, trong từng bài thơ, trong từng chương trình, tiết mục. Trong bài viết nhỏ này, người viết chỉ xin điểm lại tác phẩm của một số nhà thơ, nhạc sỹ đã viết về Quân chủng PK-KQ trong nhiều năm qua, đã hình thành nhiều tác phẩm biểu diễn cho đoàn Nghệ thuật chuyên nghiệp và phong trào văn nghệ quần chúng trong Quân chủng, mà cảm xúc của họ bắt đầu từ hai tiếng thân yêu: “Bầu trời”.
Vào những năm đầu của cuộc chiến tranh phá hoại, cũng là những năm đầu của Quân chủng mới thành lập, khoảng 1964 –1965, năm mà đế quốc Mỹ bắt đầu gây nên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc XHCN, thì cũng là lúc mà “các chú lính” bắt đầu xa quê hương lên đường đi chiến đấu. Các “chú lính” ấy vừa chiến đấu, vừa làm thơ, viết văn, viết nhạc. Cái thời điểm “chia đôi cuộc đời thành 2 nửa” như nhà thơ, liệt sỹ Vũ Đình Văn, nguyên là một chiến sỹ tên lửa của Quân chủng, hy sinh anh dũng trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972 đã viết:
“Cùng một dòng thư mà hai khoảng đời
Khoảng trước xa rồi, ai còn nhớ nữa…
Cái “khoảng trước” ấy là cả tuổi thơ, tuổi học sinh tràn đầy niềm tin, háo hức của những chàng thanh niên vừa lớn, hăm hở bước vào đời… Rồi chiến tranh đã cắt rời thực tại với quá khứ, một quá khứ vừa mới trở thành dĩ vãng bắt đầu từ hôm qua… Thế nhưng liền sau đó, anh đã định nghĩa được thực tại, được nửa sau gắn bó thân thiết với đồng đội, những người lính cùng chung một chiến hào:
“Cái khoảng có những người đồng đội của tôi
Là khoảng đời đêm nay tôi nhớ…”
“…Ước gì những lá thư đừng thất lạc
Nối khoảng đời này với khoảng đời xưa…”
Đó là những câu thơ đầy tâm huyết và máu thịt của những người lính, mà có lẽ chỉ là lính PK-KQ mới có thể viết ra được.
Nhà thơ, nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ mà chúng ta vừa kỷ niệm 20 năm ngày mất (29/8/1988 – 29/8/2008) của cả hai vợ chồng nhà thơ (Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh” , nguyên là một chiến sỹ thợ máy của bộ đội Không quân ta, hẳn phải có cảm xúc mạnh mẽ thế nào thì mới có thể có được những vần thơ để đời của ông, ra đời từ những ngày làm lính canh trời đó:
“Trên mái nhà cao vút rừng cây
Trên rừng cây những đám mây xô dạt
Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng
Thơ tôi là mây trắng của đơì tôi!”
Đó cũng chính là tâm huyết của “đời thơ” Lưu Quang Vũ, là khởi đầu của một chặng “đường lính – đường thơ” của ông. Mặc dù sau đó ông làm thơ không nhiều, nhưng hàng loạt vở kịch lôi cuốn không biết bao nhiêu khán giả, đã trở thành một “hiện tượng kịch” Lưu Quang Vũ; với các vở diễn: “Tôi và chúng ta, Tin ở hoa hồng, Lời nói dối cuối cùng, Nàng Si-ta, Hồn Trương Ba da hàng thịt”… và những vở viết về đề tài ngươi lính như: “Lời thề thứ chín, Điều không thể mất” và vở kich ngắn anh viết từ thời là lính PK-KQ : “Những cánh bay trên đất Mẹ”
Nhà văn, nhà thơ Từ Nguyên Tĩnh, hiện là Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Xứ Thanh, được biết đến nhiều qua câu chuyện đã được dựng thành phim “Người tình của Cha”, ngay từ những năm đầu là chiến sỹ C4 (E228) chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, Thanh Hoá đã có những câu thơ đầy hình tượng:
“…Ơi hôm nay nhịp cầu ta đứng đó
Đạn khua vang muôn nhịp trống đồng…”
Rồi sau đó là những vần thơ cháy bỏng tình yêu đối với mảnh đất anh và bao đồng đội đã từng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ, giữ gìn:
“…Hàm Rồng, Hàm Rồng vang động trong tôi
Tưởng như nếu không có Hàm Rồng, tôi đã thành kẻ khác
Như không có tình yêu tôi đã trở thành người độc ác
Không có phù sa, tôi không là cây xanh hữu ích cho đời…”
(Trích Trường ca Hàm Rồng, NXB QĐND, 2000)
Nhà thơ, nhà báo Hoàng Hữu Các – (F365 cũ), trong một bài thơ dài kể về một mối tình có thật giữa trắc thủ tên lửa – liệt sĩ Nghiêm Xuân Danh và người yêu của anh là kỹ sư xây dựng cầu, đã viết về người lính trắc thủ đó:
“…Anh đứng trên cao ấy. Không một nhành cây, một chiếc lá chở che
Gió bấc táp vào anh. Lửa đạn táp vào anh
Cái chết rình anh trong từng tích tắc
Bao đêm em thao thức, nhìn bầu trời và đếm tiếng bom rơi…
…Thế là em đã mất anh, Ngôi sao riêng của em, mặt trời riêng của mẹ
Bom giặc Mỹ dội vào dàn máy, Mắt anh khép một khoảng trời lửa cháy
Tận bây giờ còn bỏng buốt trái tim em…”
Với những người sáng tác ca khúc cho bộ đội, trước hết phải kể đến Nhạc sỹ Hoàng Tạo (1936 – 2004). Ông là một nhạc sĩ sáng tác đầu tiên của đoàn Văn công Phòng không – Không quân, gắn bó với bộ đội PK-KQ từ đó cho tới khi nghỉ hưu, ông đã say mê, đã yêu bầu trời xanh cao với những đám mây trắng hiền hoà biết bao khi viết những ca khúc chỉ để diễn tả tình cảm của bộ đội PK-KQ với bầu trời thân yêu của mình. Với chiến sĩ Tên lửa, ông viết:
“Đêm nay ta về bên sông Đà, rừng phấp phới nở hoa
Gió vẫy lá rung bánh xe xích sắt, ngỡ ai vui.
Nơi đây ta lập chiến công đầu, người chiến sĩ Tên lửa…”
Với chiến sĩ Pháo cao xạ:
“Trời xanh thắm, pháo nhìn cầu ánh nước soi hùng vĩ
Đỉnh núi Ngọc ta dựng lời thề: “Chưa hết giặc chưa về…”
Với chiến sĩ Ra đa, ông viết:
“Chiến sĩ Ra đa hát lên khúc nhạc canh trời quê hương
Tám hướng đất nước sáng trong tầm nhìn
Cánh sóng chiến sĩ phút giây dõi theo…”
Và với chiến sĩ Không quân, ông như luôn đặt cho mình một câu hỏi:
“…Kìa là mây, mây ơi cứ xa xôi
Sao em không là mây, mây bên mây bồng bềnh?!…”
“…Giữa chiều hoang vắng mây và nắng huyền thoại
Trên cao thinh không vẫn có ngã tư mây…”
Hẳn là những người lính bay trên bầu trời mới có thể cảm nhận được những “ngã tư mây” như thế! Những khúc ca còn mãi trong đời sống của bộ đội PK-KQ, những tác phẩm viết về bộ đội PK-KQ mà đã giúp ông hình thành tên tuổi mình trong lòng người yêu nhạc, đã vinh dự được nhận “Giải thưởng Nhà nước” về văn học nghệ thuật (2007) như: Tên lửa về bên sông Đà”, “Những mùa bay đôi”, “Khúc ru tìm đồng đội”, “Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện, v.v… Phần lớn cuộc đời công tác và sáng tác của ông đều viết về người chiến sỹ PK-KQ yêu quý của chúng ta.
Nhạc sỹ Lê Tịnh, nguyên là một cán bộ sáng tác âm nhạc của đoàn Nghệ thuật Không quân, tuy không công tác nhiều tại Quân chủng, nhưng về sau, nhiều sáng tác của ông lại viết về bộ đội PK-KQ. Chắc là “duyên nợ” lắm với bầu trời nên trong một lần đi thực tế sáng tác ca khúc chuẩn bị cho kỷ niệm 30 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” năm 2002, ông đã được Lữ đoàn Công binh 28 mời đi thăm Chùa Trầm, nơi đặt chỉ huy sở của ta trong thời kỳ đó, và tác phẩm Acapela (Hợp xướng không nhạc đệm) “Hương Trầm Tháng Chạp” đã ra đời từ đó, với một hình tượng âm nhạc trầm hùng, chắc khoẻ, nhưng vẫn có độ dìu dặt thật ấn tượng với tầm nhìn bầu trời cao rộng, khoáng đạt:
“…Pháo vươn nòng pháo lên cao Phòng không, phòng không
Vẫy tay chào vẫy tay chào lính thợ lính thợ
Tên lửa vít đầu vít đầu Bê 52 vùi xác xuống làng hoa
Pháo dăng khắp Hồ Tây che ấm mùa đông…
Và một “Sê – ri” bài hát mang ấn tượng về bầu trời của ông: Nhạc kịch múa: Đường vào vũ trụ, Kịch hát: Bầu trời khát vọng, Ru chiều, Thì thầm thì thầm, Hành khúc Sư đoàn 370 v..v…
Nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh là một người lính gắn bó với bộ đội PK-KQ từ khi ông là cán bộ sáng tác của đoàn Nghệ thuật Phòng không, nhiều ca khúc ông đã viết đều có nguồn cảm hứng từ bầu trời và những người lính. Bài hát “Dốc gió” với những ca từ rất lính: “Thiếu nước thiếu muối nhưng gió mây thì nhiều, lên càng cao tầm nhìn càng cao, ta tìm trong chín tầng mây có gì bằng cuộc đời người lính canh giữ trời?…” Ca khúc “Cánh bay khát vọng” thì đầy chất suy tư và khao khát được bay lên:
“Anh sẽ bay như cánh chim cần bầu trời,
Anh sẽ bay như cánh buồm cần biển khơi…,
Bầu trời gần nuôi những ước mơ xa,
bay lên như ước mơ bao đời, bay lên đôi cánh bay khát vọng!”…
Nhạc sĩ Cát Vận đã viết trong ca khúc Bầu trời tình yêu của mình:
Một bầu trời xanh, bầu trời yêu dấu
Mang hình sông dáng núi, mang sắc biếc rừng cây
đã thành tình yêu của anh và của em…”
Cùng với nguồn cảm hứng từ bầu trời thân yêu, những người sáng tác nhạc, dù là chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp thì đều có nhiều tâm huyết với chiến sĩ giữ trời. Chính trong cuộc chiến tranh cam go và quyết liệt ấy đã nảy sinh nhiều cây bút chững chạc và sắc bén. Các nhạc sỹ: Hoàng Tạo, Thanh Phúc, Cát Vận, Nam Hà, Đàm Giai, Trọng Đạt, Lê Tịnh …, rồi sau đó là Ngọc Khuê, Vũ Việt Hùng, Võ Vang, Văn Thành, Ngọc Hoà, Trịnh Thuỷ v..vv… Các cây bút không chuyên lúc đó có Phan Như Hoàng, Thuỷ Sinh, Xuân Điềm, Trường Thịnh, Bá Môn, Ngọc Biền, Trung Tầm… và nhiều anh chị em hiện nay đang công tác tại các đơn vị trong Quân chủng như Lê Phú Hòa (367), Thu Hà (Trường THKT), Nguyễn Ngọc Trung (377)… Tất cả đều hăng say, bất chấp mọi khó khăn, hy sinh gian khổ, thiếu thốn trăm bề; họ vẫn cứ sáng tác những ca khúc tâm huyết nhất của mình.
Trong lĩnh vực múa, có thể nói từ ngày đầu thành lập đến nay, các biên đạo múa đều đã sáng tác một khối lượng tiết mục đáng kể về những người chiến sĩ bảo vệ bầu trời. Có thể kể đến “Người chiến sĩ Phòng không Phan Đăng Cát” (Biên đạo Nguyễn Việt, Âm nhạc Thanh Phúc), Thơ múa “Quật ngã Thần Sấm” (Biên đạo Minh Tiến, Âm nhạc Nam Hà), rồi đến “Cánh chim và Mặt trời” của cố NSND Thái Ly do NSUT – Liệt sĩ Thanh Tùng thể hiện. “Thời” sau có “Cánh cò quê hương” (Biên đạo Trần Đình Quỳ, Âm nhạc Hoàng Tạo), “Đường vào vũ trụ” (Biên đạo Xuân Định, Âm nhạc Lê Tịnh), “Tiếng sáo và cánh cò” (Biên đạo Ứng Duy Thịnh, Âm nhạc Hoàng Lương). Và gần đây là “Khát vọng bầu trời” (Biên đạo Ngọc Anh & Hải Yến, Âm nhạc Nguyễn Mai Kiên) là những tiết mục mà các tác giả đã dành nhiều suy nghĩ và tâm huyết để sáng tạo.
Với người viết bài này, chẳng thể nào quên được cảm xúc của mình trước bầu trời trong xanh, rộng mở ở Hàm Rồng, Thanh Hoá vào những ngày sau chiến thắng trận đầu: 3 và 4/4/1965, trên mâm pháo, với cây sáo trúc trên tay viết nên ca khúc đầu tay của mình: “Tiếng hát bên dòng sông Mã” đầu năm 1966 lúc mới vừa một tuổi quân và tuổi đời 19. Về sau, cái tuổi thanh xuân ấy đã được nhắc lại trong “Gặp gỡ đồng đội” với: “…mười tám đôi mươi trời xanh biếc trên đầu…” chỉ có thể viết được nó khi là lính PK-KQ, vừa có vẻ hiên ngang, bất chấp hy sinh gian khổ, chỉ biết trên đầu mây trắng bay, không cho kẻ thù làm vẩn đục… Cảm xúc về bầu trời dẫn dắt Ngọc Khuê phổ thơ ca khúc “Thiên đường của Mẹ” của Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Ngày nào còn thơ bé, mẹ chỉ tay lên bầu trời xanh. Mẹ bảo đó là Thiên đường, nơi có những lâu đài nguy nga, những nàng tiên xinh đẹp dịu dàng. Hôm nay con bay trong xanh thẳm bầu trời, như hoàng tử trong câu chuyện xưa của mẹ…” Rồi ca khúc: “Nghe như bầu trời đang hát” thì hẳn người nghe cũng sẽ cùng tâm trạng với tác giả: lúc nào cũng cảm thấy bầu trời như đang du dương hát, những khúc hát hôm nay, những khúc ca của ngàn năm qua đi mà bầu trời vẫn xanh trong là thế:
“Nghe như bầu trời đang hát,
nghe như bầu trời đang nói những điều day dứt trong tôi….
Tôi bay trong mắt em thấy ngàn áng lung linh.
Tôi yêu sao mắt em nơi thẳm âu tâm hồn.
Tôi soi vào em, tôi soi vào năm tháng,
Không gian của tôi bay trong ngàn mây nắng.
Yêu biết mấy bầu trời xôn xao trong mắt tôi…”
Ở “Hạt nắng hạt mưa” thì: “Nỗi nhớ, nỗi nhớ nhoà tan trong hạt mưa. Nỗi nhớ nỗi nhớ khát khao trong chiều nắng. Hạt nắng hạt mưa đi qua trong tiếng em, để lại một bầu trời xanh, rất xanh”. Ở “Ký ức trong tôi là em” trong những tháng ngày gian nan chiến đấu xưa thì: “Em trắng trong từng giọt mắt. Em đắm say từng giọt nhìn. Thuở chúng mình yêu nhau trời có đâu xanh thế?” Hoặc ở “Khoảnh khắc mùa xuân” thì câu hát mênh mang hơn, như chào đón một mùa xuân tươi mới, bắt đầu từ một sự giao mùa: “Đàn chim giăng bay lượn ngang trời. Khoảng xa chân mây đột nhiên xanh. Một khoảnh khắc có rất nhiều biến động. Một cành đào để tiễn một mùa đông…”
Người chiến sĩ PK-KQ hát về bầu trời, bầu trời đã bao năm ngát xanh trên những miền đất thân yêu của Tổ quốc. Từ những ngày đầu của Văn công PK-KQ, họ đã hát Tên lửa về bên sông Đà, Từ mặt đất thân yêu, Trận địa quê hương… Rồi sau đó là Bầu trời tình yêu, Bầu trời đồng đội, Bầu trời anh canh giữ, Bầu trời tình Bác hay Nơi ấy Bầu Trời của Nguyễn Cường với những ca từ chan chứa tình yêu:
Tuổi trẻ chúng tôi gửi vào nơi ấy
Tình yêu chúng tôi gửi vào nơi ấy
Nơi thử thách tâm hồn, nơi thử thách con người
Như tình yêu của anh xanh thẳm trùng khơi,
nơi ấy em ơi: Bầu trời!
Là một ca khúc nhạc nhẹ, sau cả đoạn 2 với giai điệu tiến dần lên thành cao trào, bài hát hạ xuống 2 từ kết Bầu trời thật ngọt ngào, chính tác giả đã lý giải nó như cách mà cha ông ta đã làm trong cải lương, lúc “xuống xề”, khán giả chỉ có vỗ tay tán thưởng!
Không chỉ đối với các chiến sĩ lái máy bay, các chiến sĩ Tên lửa, Ra Đa, Pháo cao xạ và những người phục vụ trong các ngành nghề khác như Kĩ thuật, Hậu cần, Công binh, Thông tin v..vv cũng đều trong những tâm trạng ấy: hát và yêu quý bầu trời mà Tổ quốc đã giao cho chúng ta canh giữ! Đó là những người mà:
Trận địa anh không xây trên cao
Mà lòng anh phơi phới tự hào! (Bài ca anh nuôi – Phan Như Hoàng)
Trong suốt chiều dài 45 năm Quân chủng PK-KQ (1963 – 2008) và 45 năm Đoàn Nghệ thuật PK-KQ (1964 – 2009) chúng ta đã viết, đã hát, đã vẽ về bầu trời, mà cũng không chỉ những nhạc sỹ, nhà thơ, mà các Nhà Văn, Hoạ sỹ, Nhà báo, Nhà nhiếp ảnh, Biên đạo múa… dù có công tác trong Quân chủng hay không thì tất cả đều có chung một nguồn cảm xúc vô tận, nguồn cảm xúc đó là “Bầu Trời”!
Ảnh: Tạp chí Sông Hương

Bài trướcGẶP GỠ ĐỒNG ĐỘI
Bài tiếp theoVIDEO GIỚI THIỆU KÊNH YOUTUBE CỦA NS NGỌC KHUÊ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây