DU XUÂN HÀ NỘI, THĂM THÁP BÚT, NGHE CA KHÚC TẢ THANH THIÊN

0
404

DU XUÂN HÀ NỘI, THĂM THÁP BÚT,
NGHE CA KHÚC TẢ THANH THIÊN
Diễm Nguyệt

Viết về Hà Nội là đề tài sáng tác không bao giờ cạn của nhiều nhạc sĩ. Có những bài hát đưa người nghe đến thăm một địa danh cụ thể của Hà Nội. Cũng có nhiều ca khúc về Hà Nội lại gợi đến một kỷ niệm, một góc phố, hàng cây quen thuộc. Lại có những bài hát mặc dù là sáng tác mới, mà khi nghe giai điệu cất lên, lại thấy da diết bồi hồi, đưa ta trở lại với một câu chuyện xưa về Hồ Gươm với Tháp Bút, Đài Nghiên, để rồi hy vọng những điều tốt đẹp mở ra trong tương lai. Ca khúc “Tả Thanh Thiên” của nhạc sĩ Ngọc Khuê là một bài hát như thế.
Tôi được nghe ca khúc “Tả Thanh Thiên” của nhạc sĩ Ngọc Khuê lần đầu tiên tại “Liên hoan Nghệ thuật Lực lượng vũ trang và Thanh niên, Sinh viên toàn quốc” diễn ra ở Thành phố Đà Nẵng năm 2019, qua phần thể hiện của Tốp ca nữ Đoàn Nghệ thuật Quân chủng Phòng không – Không quân, có dàn dựng múa phụ hoạ rất công phu. Chất ca trù của bài hát đã khiến tôi (và nhiều người dự Liên hoan) mê mẩn, đắm say: “Viết lên trời xanh (ư hư ư hư). Đài Nghiên rưng rưng giọt mực (ư). Viết lên trời xanh (ư hư ư hư), những gì mà cha ông ta để lại. Tháp Bút còn đây (ư), đời đời viết tiếp nước non này…” Một sáng tác “mới tinh” mà sao nghe hoài cổ, lại mang phong cách dân gian đương đại, khó quên.
Một ngày đầu xuân Canh Tý 2020, chúng tôi du xuân Hà thành. Tới thăm một địa điểm không thể thiếu là Hồ Gươm, Đền Ngọc Sơn, Đài Nghiên, tháp Bút, tôi đứng lặng hồi lâu ngắm 3 chữ “Tả Thanh Thiên” dọc theo thân Tháp Bút. Và giai điệu trong ca khúc “Tả Thanh Thiên” của nhạc sĩ Ngọc Khuê lại vang lên trong tôi.
Bài hát có phần lời như sau:
“Viết lên trời xanh (ư hư ư hư). Đài Nghiên rưng rưng giọt mực (ư). Viết lên trời xanh (ư hư ư hư), những gì mà cha ông ta để lại. Tháp Bút còn đây (ư), đời đời viết tiếp nước non này.
Ngàn năm xưa, Tháp Bút vẫn còn đây. Người xưa ai vung bút át ngàn mây, tạo dựng nên chân lý nước non này, cho con cháu mai ngày thẳng tiến. Tả Thanh Thiên, con viết lên trời xanh, ngàn dòng chữ thái bình cho đất nước; Viết cho cuộc đời ấm no hạnh phúc; Viết cho Thủ đô, cho đất nước ngàn năm. Tả Thanh Thiên con viết lên niềm tin, những ước vọng khát khao cháy bỏng; Viết lên bầu trời niềm tự hào dân tộc; Viết lên bỡ cõi linh thiêng biển trời.
Tả Thanh Thiên, viết lên trời xanh, chân dung Người, chân dung đất nước. Tả Thanh Thiên, viết lên trời xanh, viết lên tình yêu, viết lên niềm tin, Tổ quốc muôn đời”
Bài viết chủ đạo theo nhịp 4/4, giọng Đô thứ, khúc thức A-B-B’ với 1 lời ca.
Mở đầu bài hát, ta bắt gặp một nét ca trù ngày xuân, với tiết tấu hàng loạt chùm móc kép, đôi khi dừng lại, nhấn nhá, ngắt quãng bởi các dấu lặng đơn, xen giữa các chùm nốt hoa mĩ. Ca từ “viết lên trời xanh (ư hư ư hư). Đài Nghiên rưng rưng giọt mực (ư)…” khiến người nghe như đang đứng dưới chân Tháp Bút nhìn lên trời, hình dung Tháp Bút đang “viết lên trời xanh”, còn Đài Nghiên hồi tưởng, lắng đọng lại khi “rưng rưng giọt mực”. Tháp Bút, Đài Nghiên sừng sững bên Hồ Gươm, như minh chứng cho lịch sử cha ông ta để lại, hàng nghìn năm nay, và sau này viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc.
Về âm nhạc, tác giả có chủ ý khi để đoạn A là câu nhạc “đề dẫn” cho toàn bộ bài hát. Nếu như đoạn A là cao độ với âm vực rộng (nốt mí xuống đến nốt đồ), thì sang đoạn B, cao độ của bài trầm xuống, tiết tấu cũng giãn ra với các hình nốt đen chấm liền với một nốt đen chấm dôi rồi móc đơn để chuyển tiếp sang ô nhịp sau, điểm xuyết vài nốt hoa mĩ (ứng với ca từ “còn đây”) tạo sự mềm mại của câu hát. Các dấu lặng đơn xen kẽ tiếp tục tạo nên sự nhấn nhá của bài hát, với ca từ “Ngàn năm xưa Tháp Bút vẫn còn đây”. Nét bút viết lên trời xanh được tác giả liên tưởng “người xưa ai vung bút át ngàn mây”. Từ hình ảnh “vung bút” ấy, ta như thấy sang sảng bên tai lời kiêu hùng trong những áng thiên cổ hùng văn với “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, “Hịch Tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn. Kinh thành Thăng Long ngàn năm văn hiến cũng ghi dấu bởi “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn. Và toàn dân tộc Việt Nam đều không quên “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên quảng trường Ba Đình lịch sử vào ngày 2/9/1945, đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tất cả những áng văn bất hủ ấy đã “tạo dựng nên chân lý nước non này” để tạo đà “cho con cháu mai ngày thẳng tiến”.
Câu nhạc thứ nhất của đoạn B đã kết thúc bằng nốt đố trắng chấm dôi, tạo nên sự khoáng đạt của bài hát. Sang câu thứ hai của đoạn B, vẫn tiết tấu quen thuộc, nhưng âm vực được đẩy lên cao hơn, tác giả đã hình dung những điều Tháp Bút viết tiếp lên trời xanh “Ngàn dòng chữ thái bình cho đất nước. Viết cho cuộc đời ấm no hạnh phúc. Viết cho Thủ đô, cho đất nước ngàn năm”. Đó là những điều ghi nhận của toàn dân tộc đối với công lao của Đảng và Bác Hồ đem lại, cho đất nước, cho Thủ đô ngàn năm văn hiến. Ngọn Tháp Bút sừng sững như một nhân chứng lịch sử, chứng kiến những đổi thay của dân tộc, của Thủ đô. Ngọn Tháp Bút cũng viết tiếp lên trời xanh, báo cáo với hoàng thiên hậu thổ những thành tựu đổi mới của dân tộc ta trong suốt 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Và toàn dân ta vẫn tin tưởng, nguyện một lòng đi theo Đảng. Nhạc sĩ Ngọc Khuê đã nói hộ chúng ta “Tả Thanh Thiên con viết lên niềm tin, những ước vọng khát khao cháy bỏng”. Chúng ta từng ước mơ cơm no áo ấm, người cày có ruộng, thì nay lại tin tưởng và ước mơ chinh phục bầu trời, chinh phục vũ trụ, chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học. Và chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu lớn về văn hóa, khoa học, thể thao… Nhân dân ta vẫn vươn khơi bám biển, đem về những mẻ cá lớn. Ngoài khơi xa, những người lính đảo vẫn ngày đêm không quản khó khăn vất vả, canh giữ biển trời. Thật đáng tự hào để chúng ta “viết lên bầu trời niềm tự hào dân tộc. Viết lên bờ cõi linh thiêng biển trời”
Toàn bộ bài hát được viết theo nhịp 4/4, nhưng duy nhất có 1 ô nhịp đầu tiên của đoạn B’ lại chuyển nhịp 2/4 và đảo phách ở cuối nhịp. Phải chăng tác giả muốn phá vỡ giai điệu quen thuộc của điệp ngữ trong 2 tiết nhạc “Tả Thanh Thiên, con viết lên…” ở những câu trước, để tiếp tục khẳng định “ Tả Thanh Thiên, viết lên trời xanh, chân dung Người, chân dung đất nước”. Đến đây, nét nhạc được kéo dài bởi nốt tròn nối với nốt đen. Với ký hiệu quay lại đoạn B lần nữa trước khi sang câu kết như khẳng định một lần nữa những điều ngọn bút thần kỳ đã ghi lại trên bầu trời dân tộc.
Đến đây, tôi chợt nhớ lại một câu thơ đã thuộc từ nhỏ của Trần Đăng Khoa về Tháp Bút:
Hà Nội có Hồ Gươm
Nước xanh như pha mực
Bên hồ, ngọn Tháp Bút
Viết thơ lên trời cao
Cậu bé Trần Đăng Khoa ngày xưa hình dung Tháp Bút đang “viết thơ lên trời cao”. Còn nhạc sĩ Ngọc Khuê lại như thấy Tháp Bút “viết lên trời xanh, viết lên tình yêu, viết lên niềm tin, Tổ quốc muôn đời”. Câu kết của bài hát thể hiện một niềm tin sắt son, một cái kết trọn vẹn, hoàn mĩ.
Chia sẻ về hoàn cảnh sáng tác bài hát Tả Thanh Thiên, nhạc sĩ Ngọc Khuê cho biết:
“Khi có ý định viết thêm một ca khúc về Hà Nội, tôi đã nghĩ đến một đề tài mà từ trước đến giờ chưa ai viết, đó là Tháp Bút, Đài Nghiên, sừng sững bên Hồ Gươm giữa Thủ đô nghìn năm văn hiến. Mỗi lần đi dạo Hồ Gươm, vào thăm quan Cầu Thê Húc thì ngay nơi cửa vào đã hiện lên Tháp Bút với 3 chữ sừng sững “TẢ THANH THIÊN”. Vậy Tả Thanh Thiên là gì?
Qua tìm hiểu tôi được biết: Tháp Bút có 5 tầng, trên đỉnh là hình ngọn bút lông dựng ngược như đang viết lên nền trời xanh. Ngay gần Tháp Bút là Đài Nghiên nằm trên cổng vào cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn. Trên Đài đặt một cái nghiên mực hình quả đào bằng đá, hai bên đài đề đôi câu đối:
“Bát đảo mặc ngân hồ thủy mãn
Kình thiên bút thế thạch phong cao”
Tạm dịch:
Tràn quanh đảo ngấn mực đầy hồ
Chạm bầu trời thế bút ngất núi
(Coi nước hồ là mực, lấy trời xanh làm giấy, lại có sẵn nghiên đá “ngậm nguyên khí mà mài hư không, ứng vào sao Thai mà làm ra mọi biến đổi”)
Là người sinh ra từ một gia đình Nho học, tôi hiểu rõ: trong thư pháp, người ta thường nhắc đến bốn vật báu (văn phòng tứ bảo) là Bút, Nghiên, Giấy, Mực. Bút Tháp cùng Đài Nghiên khi đứng bên hồ Gươm đã tạo nên một bộ tứ bảo hoàn chỉnh giữa đất trời. Đó không phải tứ bảo trong văn phòng, mà là bộ tứ bảo kỳ vĩ của đất Việt trời Nam. Trên thân Tháp Bút có ba chữ khắc theo chiều dọc: Tả Thanh Thiên (viết lên trời xanh), quả đã thể hiện cái hùng tâm tráng chí của các bậc sĩ phu yêu nước thời bấy giờ.
Vậy là ý tưởng về bài hát đã được nhen nhóm. Tôi dự định sẽ viết bài hát lấy tên là “TẢ THANH THIÊN” cũng có nghĩa là “VIẾT LÊN TRỜI XANH”. Với ý tưởng cha ông ta đã viết lên biết bao kỳ tích anh hùng cho Thủ đô, cho Đất nước, thì đến bây giờ con cháu chúng ta sẽ viết tiếp những trang sử vẻ vang đó. Đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2019), Hội Âm nhạc Hà Nội đã mở cuộc vận động sáng tác về Hà Nội. Tôi đã hoàn chỉnh ca khúc “Tả Thanh Thiên” và gửi tham dự.”
Ông cho biết thêm: Ca khúc này đã đạt Giải Ba (không có giải nhất) với băng thu thanh của tốp ca nữ. Trong buổi báo cáo các bài hát được trao giải thưởng, bài hát được trình bày bởi tam ca nữ Ngọc Ngà, Đàm Hằng, Thanh Vân. Và trong buổi báo cáo các tác phẩm chọn lọc trong năm 2019 của Hội Âm nhạc Hà Nội, ca khúc “Tả Thanh Thiên” được trình bày bởi ca sĩ Lương Nguyệt Anh – Giải nhất Sao Mai 2014 – và được đông đảo các nhạc sĩ, nghệ sĩ đồng nghiệp tâm đắc!
Ca khúc “Tả Thanh Thiên” được viết ở giọng thứ, nhưng ta không thấy sự buồn tối vốn có của giọng thứ, mà chỉ thấy toát lên vẻ hảo sảng, phấn khởi, tự hào. Chất ca trù trong đó càng làm cho bài hát dễ đi vào lòng người hơn.
Nhạc sĩ Ngọc Khuê vốn người Hà Tây, nhưng sinh sống ở Hà Nội. Ông đã thể hiện tình yêu Hà Nội qua nhiều ca khúc như: Mùa xuân làng lúa làng hoa, Hà Nội chiều đông, Một dấu ấn Hà Nội, Hoà trong Hương Sắc Hồ Tây, Hương Cốm (Thơ Thái Thăng Long), Nhớ hoàng hôn Hà Nội (Thơ Đậu Hoài Thanh)… Cũng như mọi Người dân Hà Nội, ông rất tự hào về Hồ Gươm với Đài Nghiên Tháp Bút cổ kính. Và ca khúc “Tả Thanh Thiên” của ông không đơn thuần chỉ là ca khúc đạt giải nhân dịp kỷ niệm 65 năm giải phóng Thủ đô, mà còn là món quà gửi tặng người yêu âm nhạc trong cả nước. Ngọn Tháp Bút cùng dòng chữ “Tả Thanh Thiên” sẽ còn mãi sừng sững bên Hồ Gươm, chứng kiến những thời khắc lịch sử của cha ông ta, đồng thời viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc. Chúng ta cùng tự hào với câu ca dao:
Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem Cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này…?
Bài đăng trên Báo Dân Trí, Tháng 2, 2020

Bài trướcGỬI NGƯỜI QUEN CHƯA
Bài tiếp theoBỮA CƠM CHIỀU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây