BỮA CƠM CHIỀU
Tác giả: Ngọc Khuê
Mấy anh em chúng tôi trước kia đều ở một trung đoàn, sống và chiến đấu bên nhau suôt tám chín năm trời trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Trước đây cũng như bây giờ, mỗi người mỗi nghề, mỗi người một công việc, nhưng thỉnh thoảng nhớ nhau lại phải “phôn” cho nhau về gặp mặt chuyện trò.
Hôm nay chúng tôi hẹn nhau đến nhà hàng “Cơm Việt”. Trời Hà Nội đã vào đông, cái nắng cuối thu gây cảm giác hanh khô nhưng dễ chịu lạ thường. Ngồi vào bàn, một cô gái xinh xắn đưa thực đơn cho Quang lựa chọn. Quang chưa xem đã đưa cho tôi, tôi không mang kính nên đưa ngay sang cho Hữu. Hữu lại chuyền sang cho Quang, bảo:
– Thôi các ngài cứ gọi món gì là em “xơi” món đó!
Rồi cuối cùng lại đến tay Quang. Quang là một người Hà Nội chính gốc, được sinh ra và lớn lên tại một làng nhỏ bên Hồ Tây – Làng Nghi Tàm, một trong những làng nổi tiếng về trồng hoa và về ẩm thực nên xem ra Quang có vẻ “sành điệu” hơn. Hội lính cũ chúng tôi tuy đã bầu anh Hùng, rồi sau đó là anh Ngữ làm trưởng ban liên lạc, nhưng riêng Quang, mặc dù chỉ giữ chân “chấp hành” nhưng tất cả chúng tôi đều suy tôn anh là “Tổng thư ký”, người chuyên thiết kế tất cả mọi chuyến đi hoặc mọi cuộc gặp gỡ của đồng đội. Quang chẳng cần đến thực đơn, gọi vài ba món ăn thông thường, rồi cuối cùng chốt một câu như đóng đinh: Canh chua cá! Mấy món ăn trước thì chả ai có ý kiến gì, nhưng nói đến canh chua cá thì ai cũng gật đầu lia lịa. Ăn uống gì đi nữa cuối cùng cũng phải làm bát cơm chan với canh chua cá.
Hồi còn ở chiến trường, bọn tôi có một ông bạn nữa tên là Đức, quê Thái Nguyên. Tôi chưa thấy ai “sát” cá bằng Đức. Đêm nào Đức cũng đi cắm cần câu trên khắp các ao hồ quanh trận địa, mồi thì là những chú cá cờ còn đang quẫy. Sáng sớm hôm sau, tôi cũng chẳng biết là mấy giờ nữa, chỉ thấy Đức xách một xô cá về, toàn cá quả, cả khẩu đội no nê. Tôi rất thích đi câu cùng Đức, một hôm Đức đưa cho tôi 4 cái cần câu đã có mồi nghiêm chỉnh. Đức nói như ra lệnh:
– Cậu cắm từ đây đến bụi cây kia. Còn tớ thì từ bụi cây ấy trở đi.
Sáng hôm sau dậy thật sớm. Ra đến bờ ruộng, tôi hồi hộp nhấc từng chiếc cần câu lên. Chiếc đầu không có cá, chiếc thứ hai cũng không. Chiếc thứ ba kéo lên một con rắn nước to đùng. Chiếc cuối cùng cũng vẫn là rắn. Chẳng hiểu tại sao rắn cứ lao vào những cái cần của tôi. Còn Đức thì cần câu nào cũng có cá, những con cá quả to và tươi ngon. Ngẫm ra câu thành ngữ “Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” mới đúng làm sao! Hôm ấy khẩu đội tôi ăn không hết, phải đem mời cả khẩu đội 2 và 3 cùng ăn. Cả trung đội được một bữa no nê và nhớ đời. Không nhớ làm sao được vì dạo ấy, những ngày mùa đông cuối năm bảy hai căng thẳng và ác liệt. B52 của giặc Mỹ đã rải thảm suốt dải đất miền trung, rồi liều lĩnh mang hàng nghìn tấn bom đạn giội xuống Hà Nội, Hải Phòng, rồi Thanh Hóa. Hằng đêm, bà con dân làng đều phải đi sơ tán trong núi. Cả bộ đội chúng tôi cũng phải rút một nửa vào hang để bảo toàn lực lượng cho những trận chiến đấu tiếp theo. Cuộc sống của cánh lính cao xạ chúng tôi hết sức khó khăn, gạo thiếu, rau cũng không đủ ăn, nói gì đến thịt cá? Cách quãng giữa hai đợt bom, Đức đã làm cho cả khẩu đội, thậm chí cả đại đội thoả thuê, phấn chấn.
Bây giờ ngồi “Rét – tau – răng” mà ăn Cơm Việt chan canh cá nấu với cà chua, dọc mùng, quả me, giá đỗ, khế chua rồi các loại rau thơm, rau ngổ, ớt, mùi tàu … thì thật là tuyệt vời làm sao. Cái vị ngon ngọt chua cay nồng nàn của của canh chua cá không bao giờ biết chán. Chả thế mà các cụ ngày xưa thường bảo: “Có cá, vạ cơm”. Bữa thường ăn ba bát, có cá phải thành bốn bát như chơi!
Mới thế mà đã mấy chục năm, kể từ cái buổi sớm mai chúng tôi đi lượm cần câu cá mang về để rồi cả trung đội cùng được ăn một bữa nhớ đời. Cái hương vị canh cá chua đơn sơ ngày nào chỉ nấu với mẻ, do anh nuôi của đơn vị tự làm, với lá chua me hái ngoài đồng đã làm chúng tôi chẳng thể nào quên được.
Cô gái xinh xắn của nhà hàng Cơm Việt đã mang lên món canh chua cá nóng sốt tỏa khói hương nghi ngút. Chúng tôi ăn mà lại nghĩ tới ngày xưa, tới món canh cá của những chàng pháo thủ. Nghĩ tới những thằng bạn đồng ngũ cùng ăn bữa cơm cá ngày nào nhưng đã sớm rời xa chúng tôi trong cuộc chiến đấu cam go, quyết liệt ấy…